Hướng dẫn lập dàn ý Nghị luận Chớ nên tự phụ ngắn, hay nhất. Với các bài dàn ý và văn mẫu được tổng hợp và biên soạn dưới đây, các em sẽ có thêm nhiều tài liệu hữu ích phục vụ cho việc học môn văn. Cùng tham khảo nhé!
Nội dung
Dàn ý nghị luận Chớ nên tự phụ
a) Mở bài
Bạn đang xem: Nghị luận Chớ nên tự phụ (5 mẫu)
– Giới thiệu vấn đề cần nghị luận:
Mẫu: Một trong năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng là phải trở thành một người biết khiêm tốn. Mỗi chúng ta từ ngày bé đều đã được dạy rằng “chớ nên tự phụ”. Dù chỉ có bốn chữ ngắn gọn xúc tích, nhưng đây quả thực là một bài học quý giá đối với mỗi người.
b) Thân bài
* Giải thích vấn đề cần bàn luận:
– Tự phụ là một thói xấu mà nhiều người mắc phải.
– Tự phụ là thái độ đề cao quá mức bản thân, tự cao tự đại đến mức xem thường người khác, kể cả những người ở trên mình. Như vậy, câu nói là một lời khuyên nhắc nhở chúng ta không nên quá tự cao, tự đại về bản thân mình.
* Bàn luận về tính đúng đắn của ý kiến:
– Tự phụ khiến chúng ta không biết được bản thân mình là ai:
+ Khi chúng ta quá coi trong bản thân mình, chúng a sẽ cho rằng bản thân mình là nhất, là số một, cái gì cũng giỏi hơn người khác.
+ Thực tế, kiến thức là một đại dương bao la, rộng lớn, và những gì chúng ta có trong tay chỉ như một giọt nước trong đó mà thôi.
+ Chúng ta có thể giỏi hơn người này nhưng sẽ luôn luôn có và thậm chí là có rất rất nhiều những người khác tài giỏi hơn chúng ta, và cũng chẳng có ai trở thành người giỏi nhất, bởi mỗi người có một tài năng riêng.
+ Quá coi trọng bản thân mình khiến chúng ta không tự ý thức được những hạn chế, những khuyết điểm của chính mình bởi sự tự cao đã che mờ mắt ta rồi.
+ Chính vì thế mà chúng ta không biết được vị trí thực sự của mình, sẽ trở thành một cái “thùng rỗng kêu to”, giống như con ếch trong truyện ngụ ngôn “ếch ngồi đáy giếng”, nó nghĩ rằng ông trời chỉ bé bằng cái vung và nó là kẻ lớn nhất, quyền lực nhất bởi vì tầm nhìn của nó quá hạn hẹp và nó đã phải trả giá đắt cho sự tự phụ của mình.
– Tự phụ khiến ta có thói xấu coi thường người khác:
+ Trong mắt kẻ tự phụ, người khác luôn thấp kém hơn họ bởi họ cho mình là hơn người, là giỏi giang không ai có thể sánh được.
+ Quá tự tin vào khả năng của bản thân khiến chúng ta coi thường những khả năng, tài năng của người khác, không dễ dàng chấp nhận việc mình kém hơn họ.
+ Trong những cuộc thi, những kẻ tự phụ thường coi thường đối thủ, chắc mẩm rằng mình sẽ giành phần thắng, sinh ra chủ quan và kết cục thất bại.
– Tự phụ khiến chúng ta bị mọi người xa lánh, không nhận được sự tôn trọng từ mọi người:
+ Quá tự cao, tự đại không coi ai ra gì khiến cho mọi người xung quanh cảm thấy bị xúc phạm, bị coi thường. Chính vì thế, mọi người thường xa lánh những kẻ tự phụ.
+ Do đó, những kẻ tự phụ thường bị cô lập trong xã hội, không anh muốn hợp tác, muốn chia sẻ, làm việc gì cũng sẽ chỉ có một mình, không có sự hỗ trợ giúp đỡ của người khác khi cần thiết dẫn đến công việc sẽ không thể thành công và đạt được kết quả tốt nhất.
c) Kết bài
– Nêu bài học của bản thân rút ra từ câu nói:
Nghị luận Chớ nên tự phụ ngắn – Mẫu số 1
Ông cha ta thường dặn dò con cháu rằng “Chớ nên tự phụ”. Bởi vì tự phụ là một thói xấu không nên có. Nó khiến chúng ta trở nên tự cao tự đại, đề cao bản thân một cách quá mức. Điều đó sẽ khiến chúng ta đánh mất nhiều điều. Trước hết, thói tự phụ sẽ khiến mọi người xung quanh cảm thấy khó chịu và không thân thiết với chúng ta được nữa. Nhưng hơn cả như vậy, thói tự phụ còn khiến ta tự xem mình là giỏi, là nhất. Dẫn đến không tiếp tục học hỏi và rèn luyện, khiến chúng ta khó có thể tiến bộ, cũng như nhận ra khuyết điểm của bản thân để sửa chữa. Chính vì thế, chúng ta cần phải hiểu về bản thân, cả về ưu cũng như khuyết điểm. Tuyệt đối không được có tính tự phụ, để tránh những hậu quả không tốt.
Nghị luận Chớ nên tự phụ- Mẫu số 2
Chúng ta thường được răn dạy từ khi còn nhỏ các bài học về đạo đức. Trong đó, bài học mà em nhớ nhất chính là “chớ nên tự phụ”. Tự phụ là khi chúng ta cho rằng bản thân tài giỏi, xuất chúng hơn người khác. Trong khi khả năng thực tế lại không đúng và hoàn mĩ được như vậy. Điều này khiến cho chúng ta trở nên xấu tính và đáng ghét trong mắt mọi người. Không chỉ thế, thói tự phụ còn khiến chúng ta không thể nhận ra được những khuyết điểm, thiếu sót của bản thân. Từ đó không kịp thời sửa chữa và khắc phục được, gây ảnh hưởng tới việc học tập cũng như cuộc sống. Vì vậy, chúng ta cần phải có thái độ khiêm tốn, chăm chỉ học hỏi và trao dồi, nhằm hoàn thiện bản thân hơn. Và tuyệt đối không bao giờ được tự phụ về chính mình.
Nghị luận Chớ nên tự phụ – Mẫu số 3
Ông ta thường răn dạy con cháu rằng “Chớ nên tự phụ”. Tự phụ là một đức tính xấu của con người. Đó là thái độ tự mãn, tự cao quá mức về bản thân, khiến người đó tự cho bản thân mình là nhất, xem thường những người khác.
Sự tự phụ có thể xuất hiện từ trong lời nói, thái độ, hành động hằng ngày. Gây ảnh hưởng trực tiếp đến hình tượng bản thân trong lòng người khác. Từ đó khiến các mối quan hệ trở nên bất ổn, không còn gần gũi như xưa nữa. Không chỉ vậy, sự tự phụ còn dễ khiến ta ngủ quên trên chiến thắng, không biết nhìn nhận thực tế để tiếp tục cố gắng, vươn lên. Thật là tai hại.
Hiện nay, có không ít một bộ phận giới trẻ đang sở hữu phẩm chất xấu này. Họ tự cho là mình đã rất giỏi, thành công nên ngừng tiếp tục học tập, rèn luyện, cố gắng dù vẫn còn rất trẻ. Điều này là sai trái và cần thay đổi ngay. Bởi núi cao rồi sẽ có núi cao hơn. Chúng ta phải không ngừng vươn lên, hoàn thiện bản thân thì mớ không phí hoài thanh xuân và không bị xa rời với mọi người.
Từ những dẫn chứng thực tế ấy, chúng ta có thể khẳng định được rằng, tự phụ là một thói xấu cần phải đẩy lùi ra khỏi xã hội này.
>>> Xem thêm: Nghị luận sự cần thiết phải sống là chính mình
Nghị luận Chớ nên tự phụ – Mẫu số 4
Trong cuộc sống chúng ta, chỉ vì tính kiêu ngạo mà nhiều người đã phải chịu hậu quả là thất bại đắng cay. Chúng ta cứ nghĩ ta là nhất, là đầu, nhưng tất cả chỉ là sự tự mãn mà thôi. Ông cha ta đã khuyên chúng ta không được tự kiêu, tự đại quá trớn, quá mức qua câu: “Chớ nên tự phụ”.
Tự phụ là tự kiêu, tự đại, tự đắc, đánh giá một cách thái quá về bản thân mình trước người khác. Tự phụ là thiếu tôn trọng người khác, không xem ai ra gì cả. Như vậy lời khuyên nhẹ nhàng mà thấm thía: chúng ta không nên kiêu căng, tự mãn để rồi sẽ làm hại, làm tổn thương chính bản thân mình.
“Chớ nên tự phụ” là kiến hoàn toàn đúng vì tự phụ là một thói xấu của con người mà ai cũng cần tránh. Tự phụ là một thói quen xấu khá phổ biến trong xã hội. Người tự phụ luôn đề cao quá mức về bản thân mình mà không coi ai ra gì cả. Có nhiều người làm ở công ty, công sở nhưng lúc nào cũng tỏ ra là mình thông minh mà thực chất lại không được như thế. Họ luôn khinh thường người dưới để rồi khi được giao nhiệm vụ quan trọng, họ đã thất bại, làm uy tín của công ty giảm sút chỉ vì tính tự phụ cá nhân của họ. Người tự phụ sẽ khiến mọi người xa lánh, không muốn gần gũi, gắn bó và vì thế họ không hợp tác được với người khác trong công việc bởi một điều tự nhiên người khác nghĩ rằng khi bạn kiêu ngạo thì bạn sẽ chẳng cần biết cần nghe ai nói gì và luôn cho là mình đúng.
Người tự phụ sẽ không bao giờ có thể bước tới đỉnh vinh quang của thành công. Trong câu chuyện “Ếch ngồi đáy giếng”, chỉ vì tự kiêu luôn cho mình là nhất, là chúa mà khi được ra ngoài giếng, ếch ta không chịu thích nghi với môi trường, vẫn huyênh hoang, tự đắc mà nó đã phải nhận sự trả giá bằng chính cái chết của mình. Bởi vậy nếu ai kia quá tự phụ như con ếch trong truyện thì hậu quả xảy ra với sự tự phụ ấy chính là một cái kết thúc đầy thảm bại.
Chúng ta tồn tại tính tự phụ bởi quá kiêu căng, tự mãn, lúc nào cũng cho mình là nhất mà không chịu học hỏi, khiêm tốn trước người khác. Chỉ vì nghĩ rằng mình là nhất và họ vô tình không tôn trọng người khác dù có thể đó là đàn anh, đàn chị của chính mình. Lời khuyên trên đầy chí lí, chí tình giúp thuyết phục con người: tự phụ là thói xấu, cần phải tránh. Chúng ta phải sống khiêm tốn, hòa nhã với mọi người, không được đánh giá mình quá cao, vượt mức giới hạn trước người khác nếu không sẽ chuốc lấy hậu quả khó lường.
Càng nghĩ tôi lại càng trách mình. Có đôi lúc tôi đã tỏ ra kiêu căng trước mặt bạn bè mà tôi không hề biết để rồi tôi đã nhiều lần mà vô tình suýt đánh mất tình bạn đẹp của mình. Các bạn ơi đừng ai như tôi nhé, tự phụ không hề giúp chúng ta tiến bộ mà nó còn vô tình tự đánh mất những tình cảm đẹp trong cuộc đời ta.
Lời khuyên, lời nhắn nhủ chân tình và sâu sắc biết bao. Chắc hẳn khi hiểu được lời nhắn nhủ này, nhiều người sẽ tự nhìn lại mình để thay đổi bản thân và có lẽ sẽ tự nhủ lòng mình sẽ không bao giờ là người tự phụ dù đôi lúc chỉ là vô tình.
Nghị luận Chớ nên tự phụ – Mẫu số 5
Cuộc sống luôn là một thế giới kì diệu và có nhiều điều con người cần học hỏi và rèn luyện để hoàn thiện bản thân. Trong đó, các đức tính như kiên trì, tự tin, tử tế… là những phẩm chất tốt đẹp con người cần có. Bàn về những đức tính tốt thì cũng có những thói xấu cần loại bỏ đó là tự phụ. Có người nói: “Chớ nên tự phụ”.
Tự phụ là một trạng thái tâm lí cảm xúc xuất hiện khi con người tự tin, tự mãn thái quá về bản thân mình. Người tự phụ là người luôn cho mình là hoàn hảo nhất, tốt đẹp nhất và không bao giờ có thái độ cầu tiến hay lắng nghe ý kiến của người khác. Tự phụ thường xuất hiện ở những người mới đạt được thành quả nào đó và vượt lên trên những người khác. Và tự phụ có rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân mỗi người cũng như những người xung quanh.
Trước tiên, người tự phụ thường có thái độ tự mãn tự kiêu. Họ không bao giờ muốn lắng nghe góp ý của người khác hay tiếp thu những cái mới để tiến bộ hơn. Lâu dần, họ sẽ trở thành người tụt hậu, kém cỏi. Vì cuộc sống là một cuộc đua, nếu ta không nỗ lực chạy thì sẽ bị bỏ lại, thậm chí bị giẫm lên. Như con thỏ trong câu chuyện cổ xưa, vì tự phụ mà sinh chủ quan, để rồi thua cả một chú rùa nhỏ vốn mang danh chậm chạp. Như vậy không phải là tự phụ rất có hại hay sao?
Hơn thế, người tự phụ khi thực sự có khả năng thật sẽ luôn có thái độ coi thường những người xung quanh. Người tự phụ không bao giờ có thể là một người lãnh đạo tốt cả. Vì người biết lãnh đạo, có trí óc phải là người biết che bớt đi ánh sáng của bản thân để cho tất cả mọi người cùng tỏa sáng. Khi người ta đã tự tin hoàn toàn vào bản thân, con người thường luôn tận dụng mọi cơ hội để tỏa sáng. Đôi khi ánh sáng ấy át đi mọi người, cái tôi quá lớn ảnh hưởng cả tập thể, tập thể ấy sẽ sớm mà lụi dần. Muốn đi nhanh hãy đi một mình nhưng muốn đi xa thì phải đi cùng người khác. Điều này người tự phụ không bao giờ hiểu.
Và khi con người quá đề cao bản thân, những người xung quanh sẽ cảm thấy họ không được tôn trọng. Từ đó mà nảy sinh cảm xúc ghen ghét, thiếu tôn trọng với chính mình. Bạn muốn được tôn trọng, trước tiên bạn phải tôn trọng người khác. Người mang bệnh ái kỉ, chỉ nghĩ đến mình không bao giờ được mọi người yêu quý vì đơn giản họ không bao giờ cho đi bất kì thứ giờ học có, kể cả sự lắng nghe.
Như vậy, khi con người tự phụ, họ sẽ không có được mối quan hệ tốt đẹp với mọi người, cũng không thể tiến xa trong cuộc sống. Hơn thế, khi đã không muốn tiến lên, không muốn lắng nghe sớm hay muộn họ cũng sẽ tự đào thải chính mình trong thế giới biến đổi không ngừng này. Vậy nên, chớ nên tự phụ là lời khuyên ngắn gọn nhưng có giá trị với mọi người ở mọi thời.
—/—
Như vậy, THPT Ninh Châu đã vừa cung cấp những dàn ý cơ bản cũng như một số bài văn mẫu hay Nghị luận Chớ nên tự phụ để các em tham khảo và có thể tự viết được một bài văn mẫu hoàn chỉnh. Chúc các em học tốt môn Ngữ Văn !
Đăng bởi: Đại Học Đông Đô
Chuyên mục: Lớp 12, Ngữ Văn 12